Long Thọ trăm năm một cuộc dời

Long Thọ – nhà máy xi măng lâu đời, với hơn 100 năm tồn tại, bắt đầu cuộc chuyển dời vĩnh viễn ra khỏi không gian đô thị Huế. Đó là cuộc “thiên di” theo ý nguyện nhân dân bấy nay vì lý do môi trường, nhưng cũng là mối quan tâm của nhiều người bởi nơi đây là một phần của lịch sử xứ Huế.

Nhà máy vôi nước Long Thọ dưới thời Pháp thuộc (ảnh tư liệu chụp năm 1922)

Chuyện Thọ Xương

Một dạo, có người hỏi về vùng Thọ Xương xứ Huế, nơi gắn với câu ca dao truyền đời “Gió đưa cành trúc la đà/Tiếng chuông Thiên Mụ, canh gà Thọ Xương”. Theo các nhà nghiên cứu, địa danh Thọ Xương là tên cải đổi từ gò Long Thọ (Long Thọ Cương), tên chữ là Thọ Khương Thượng khố. Dưới thời các chúa Nguyễn, tại gò này nguyên là kho thóc, đến đời các vua Nguyễn là kho đồ gốm và cũng là nơi làm gạch ngói. Quốc sử triều Nguyễn từng xếp gò Long Thọ là thắng tích ở chốn kinh sư.

Cuốn “Sổ tay địa danh Việt Nam” của Đinh Xuân Vịnh ghi rằng, Thọ Xương (làng) trước gọi là Thọ Khang (Khương), Gia Long đổi là Thọ Xương. Đến năm 1824 đổi thành Long Thọ, thuộc phủ Thừa Thiên cạnh sông Hương, nay thuộc thành phố Huế… Thọ Cương hay vùng Long Thọ ngày nay chính là nơi có nhà máy sản xuất vật liệu vôi nước lâu đời, sau này là Nhà máy xi măng Long Thọ tồn tại qua hơn 120 năm. Nhà máy cổ xưa mang dấu ấn “thuộc địa” này như là một chứng nhân của bao thăng trầm biến thiên lịch sử vùng đất Huế, cùng với Trường Quốc học, ga, Bệnh viện Trung ương, Nhà máy nước, Nhà đèn Huế…

Nhà máy xi măng Long Thọ bắt đầu cuộc di dời vĩnh viễn ra khỏi đô thị Huế

Theo tư liệu lưu lại trên trang thông tin của Công ty Cổ phần Long Thọ – chủ sở hữu Nhà máy xi măng Long Thọ, năm 1885, sau khi cưỡng chiếm một phần Kinh thành Huế, thực dân Pháp đẩy mạnh xây dựng hạ tầng cơ sở phục vụ chính quyền cai trị tại miền Trung, trong đó Huế được xác định là thủ phủ. Việc kiến thiết hạ tầng làm phát sinh nhu cầu rất lớn về vật liệu xây dựng. Năm 1896, Hãng xây dựng tư nhân Bogaert cho thành lập Xí nghiệp vôi nước Long Thọ nhằm giải quyết nhu cầu vật liệu kể trên.

Nhà máy đặt ở chân đồi Long Thọ bên bờ phải sông Hương, đối diện với chùa Thiên Mụ, cách trung tâm thành phố Huế chừng 7km về phía Tây, nằm giữa hai làng Nguyệt Biều và làng Dương Xuân (nay là phường Thủy Biều và Phường Đúc). Được biết, Long Thọ được chọn đặt nhà máy sản xuất vôi nước, do đây là nơi có những điều kiện tối ưu mà nơi khác không có được. Điều tra của Sở mỏ đương thời xác định: “Đá vôi có nhiều ở phía bắc Đông Dương, đồng bằng sông Hồng, có ít ở Trung Kỳ và Nam bộ. Nhưng mỏ có chất đất sét nung lên cho ra vôi nước thiên nhiên hay là chất keo nước thì chỉ có một mỏ ở Long Thọ…”.

Ngay từ khi ra đời, Công ty xi măng Poóc-lăng nhân tạo Đông Dương có tham vọng thâu tóm, muốn đặt các ngành sản xuất vật liệu xây dựng ở Đông Dương vào sự kiểm soát của công ty này. Công ty vôi nước Long Thọ trên thực tế là một chi nhánh của Công ty xi măng Poóc-lăng và có sự liên kết với Rigaux, cũng như chính quyền thực dân ở Trung Kỳ nhằm cạnh tranh với Bogaert. Sau 5 năm cạnh tranh, Bogaert không thắng nổi Công ty vôi nước Long Thọ. Đến năm 1915, Xí nghiệp vôi nước Long Thọ của Bogaert bị sáp nhập vào Công ty vôi nước Long Thọ do Rigaux làm đại diện.

Trong kháng chiến 9 năm, nhà máy hầu như ngừng hoạt động. Từ năm 1958, nhà máy Long Thọ được giao cho ông chủ Viễn Đệ – một kỹ sư tốt nghiệp tại Pháp quản lý và duy trì hoạt động cầm chừng do chiến tranh, cũng như ảnh hưởng bởi các cuộc chiến tranh giành quyền lực của các thể chế quân sự, chính trị thời bấy giờ tại miền Nam. Đến năm 1972, nhà máy ngừng hoạt động, trở thành hoang phế.

Sau năm 1975, chính quyền cách mạng cho thành lập ban khôi phục nhà máy. Thành viên của ban khôi phục nhà máy ngày ấy kể lại rằng, cơ sở vật chất lúc đó chỉ là đống đổ nát, hoang phế, số vốn hoạt động ban đầu “khiêm tốn” ở mức 37.000 đồng. Sau nhiều nỗ lực, nhà máy hoạt động trở lại từ ngày 1/7/1976. Một năm sau, tại đây nhà nước cho đầu tư xây dựng thêm một dây chuyền công nghệ xi măng lò đứng có công suất thiết kế 20.000 tấn/năm. Sau nhiều năm cải tiến công nghệ, mở rộng sản xuất, công suất nhà máy không ngừng được nâng lên…

Trầy trật một thập niên “thiên di”

Về sau, Nhà máy xi măng Long Thọ phát triển công suất lẫn quy mô sản xuất và tăng trưởng hiệu quả kinh tế không ngừng cũng là lúc những vấn đề về môi trường, ảnh hưởng dân cư xung quanh bắt đầu nảy sinh và ngày càng trở nên nghiêm trọng.

Nhiều kết cấu hạng mục công trình, cơ sở vật chất thuộc Nhà máy xi măng Long Thọ một thuở bắt đầu được chuyển dời, triệt giải. Người dân vùng Nguyệt Biều thở phào… Cuộc chuyển dời Nhà máy xi măng Long Thọ này cũng là mối quan tâm của nhiều người, bởi đây là “chứng tích” lịch sử quan trọng gắn với quá trình phát triển của đô thị Huế một thuở.

Đến những năm 2000, Nhà máy xi măng Long Thọ được xác định trở thành “điểm đen” về môi trường, bị liệt vào danh sách các cơ sở gây ô nhiễm nghiêm trọng bắt buộc phải di dời theo Quyết định 64/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ. Năm 2003, Thủ tướng từng yêu cầu phải nhanh chóng di dời Nhà máy xi măng Long Thọ để đảm bảo quy hoạch đô thị và phát triển kinh tế du lịch địa phương. Ý tưởng, kế hoạch di dời nhà máy Long Thọ ra khỏi không gian đô thị Huế – nơi ưu tiên cho phát triển du lịch, bảo tồn di sản văn hóa đã được đặt ra.

Còn nhớ một ngày đầu năm 2010, tại buổi gặp mặt các doanh nghiệp và doanh nhân tiểu biểu trên địa bàn Thừa Thiên-Huế nhân dịp năm mới, Bí thư Tỉnh ủy Thừa Thiên-Huế thời bấy giờ là ông Hồ Xuân Mãn đã đưa ra thông tin gây chú ý, sẽ đưa Nhà máy xi măng Long Thọ ra khỏi thành phố Huế ngay trong năm đó. Tuy vậy, nhiều năm sau, cuộc chuyển dời ấy vẫn không thành hiện thực. Những kế hoạch di dời từng được tiếp nối bởi lớp lãnh đạo kế nhiệm của ông Mãn, các mốc thời gian, định mức kinh phí chuyển dời cũng từng được xác định… Nhưng tất cả đều lần lượt lỗi hẹn.

Sự chậm trễ di dời sau đó được UBND tỉnh Thừa Thiên-Huế giải thích do doanh nghiệp gặp vướng mắc về bồi thường giải phóng mặt bằng khi chuyển về địa điểm mới. Công ty Long Thọ cũng từng xin thuê đất di dời trước đó… UBND tỉnh Thừa Thiên-Huế từng có chủ trương cho phép nhà máy nghiên cứu tìm kiếm địa điểm mới tại các khu công nghiệp La Sơn, Hương Trà, cụm công nghiệp Thủy Phương. Sau cùng, khu vực Thủy Phương đã được công ty lựa chọn là điểm đến của Nhà máy xi măng Long Thọ hậu di dời…

Báo Tiền Phong – Ngọc Văn


Tin tức liên quan khác