Lịch sử hình thành

 

LOGO THƯƠNG HIỆU LONG THỌ QUA CÁC THỜI KỲ

1902

1958 – 1968

1997

2005

2016

Công ty Cổ phần Long Thọ ngày nay là một cơ sở công nghiệp của Thừa Thiên Huế chuyên sản xuất và kinh doanh vật liệu xây dựng trên địa bàn Thừa Thiên Huế và các tỉnh Miền Trung.

Công ty Cổ phần Long Thọ tiền thân là Công ty SXKDVLXD Long Thọ, thành lập năm 1975, là một đơn vị SXKDVLXD của tỉnh Thừa Thiên Huế được xây dựng và phát triển trên cơ sở nhà máy Vôi nước Long Thọ được hình thành từ thời Pháp thuộc cách đây hơn 120 năm.

Năm 1885, sau khi chiếm xong kinh thành Huế, thực dân Pháp đẩy mạnh việc xây dựng cơ sở vật chất cho chính quyền cai trị tại Miền Trung lấy Huế làm Thủ phủ. Do đó nhu cầu về vật liệu xây dựng rất lớn. Năm 1896 hãng xây dựng tư nhân Bogaert đã xây dựng xí nghiệp vôi nước Long Thọ nhằm giải quyết nhu cầu nói trên. Nhà máy đặt ở chân đồi Long Thọ trên bờ phải sông Hương, đối diện với chùa Thiên Mụ, cách trung tâm Thành phố Huế chừng 7km về phía Tây, giữa làng Nguyệt Biều và làng Dương Xuân (nay là Thủy Biều và Phường Đúc).

Bogaert chọn Long Thọ để xây dựng nhà máy chế biến vôi nước vì ở đây có những điều kiện thuận lợi mà nơi khác không có. Theo điều tra của sở mỏ, “đá vôi có nhiều ở phía Bắc Đông Dương, đồng bằng sông Hồng, có ít ở Trung Kỳ và Nam Bộ. Nhưng mỏ có chất đất sét nung lên cho vôi nước thiên nhiên hay là chất keo nước thì chỉ có một mỏ ở Long Thọ. Mỏ này thuộc làng Nguyệt Biều, huyện Hương Thủy, tỉnh Thừa Thiên”.

1898-1915. M.Bogaert (ảnh chụp năm 1914)
1915- 1933. MM. Rigaux (ảnh chụp năm 1922)

Nhưng từ năm 1910 bắt đầu xuất hiện sự cạnh tranh sản xuất vôi nước tại Long Thọ với hãng Bogaert. Rigaux nhà thầu khoán xây dựng không có giấy phép đã tự tiện chiếm đất trái phép trên nhượng địa của Bogaert để cạnh tranh sản xuất. Trong cuộc tranh chấp này, Khâm sứ Trung kỳ đã ủng hộ Rigaux.

Cùng thời gian này tại Paris, năm 1911 có một nhóm tư sản hùn vốn cổ phần lập công ty vôi nước Long Thọ, đặt trụ sở tại Paris. Công ty này đặt dưới sự kiểm soát về tài chính và kỹ thuật của công ty xi măng Poóc-lăng nhân tạo Đông Dương. Công ty Poóc-lăng ra đời sau nhà máy vôi Long Thọ (10/7/1899) và đặt trụ sở tại Paris. Ngay từ khi ra đời, công ty xi măng Poóc-lăng nhân tạo Đông Dương đã có ý định thâu tóm quyền lực, đặt các ngành sản xuất vật liệu xây dựng ở Đông Dương dưới sự kiểm soát của nó. Công ty vôi nước Long Thọ trong thực tế là một chi nhánh của xi măng Poóc-lăng. Công ty vôi nước Long Thọ liên kết với Rigaux, với chính quyền thực dân ở Trung Kỳ để cạnh tranh với Bogaert. Công ty vôi nước Long Thọ cử Rigaux làm đại diện cho họ thương lượng với Bogaert nhằm giành giật chủ quyền trên vùng đất mỏ và việc sản xuất vôi nước tại Huế. Sau 5 năm cạnh tranh, Bogaert không thắng nổi Công ty vôi nước Long Thọ.

Như vậy là từ cuối tháng 8/1915 xí nghiệp vôi nước Long Thọ đã bị thu hút và sát nhập vào công ty vôi nước Long Thọ do Rigaux làm đại diện.

Xí nghiệp vôi nước Long Thọ sản xuất theo quy trình khép kín từ khâu khai thác nguyên liệu đầu tiên đến khâu bán sản phẩm cuối cùng.

Vôi nước là sản phẩm riêng của nhà máy, nhưng không phải là sản phẩm duy nhất, vì ngoài vôi nước xí nghiệp còn sản xuất các loại vật liệu xây dựng khác như gạch ngói thông dụng, gạch ngói cao cấp tráng men hoặc sơn vẹc ni, gạch khảm xi măng, gạch hoa, Blô, tấm lợp không thấm nước.

Công suất đầu tiên của nhà máy là 10.000t vôi/năm với 5 lò nung, theo công nghệ kiểu lò đứng. Nguyên liệu đá được chuyển từ mỏ vào bằng thuyền sau đó đưa lên lò bằng xe ngựa kéo. Khi có nhà máy điện nguyên liệu được chuyển vào bằng xe goòng rồi đưa lên lò bằng thăng vận. Sản phẩm sản xuất có chất lượng rất tốt được tiêu thụ trong nước và có một ít được xuất khẩu.

1958- Viễn Đệ

Ban khôi phục nhà máy (1976)

Năm 1934, công ty vôi nước Long Thọ cử Gallois làm giám đốc nhà máy thay Rigaux.

Sau khi Nhật đảo chính ngày 9/3/1945, Gallois – chủ nhà máy do Nhật giữ lại điều hành sản xuất cũng bỏ chạy, nhà máy ngưng trệ hoàn toàn.

Trong kháng chiến 9 năm, nhà máy hầu như ngừng hoạt động, sau 1954 hòa bình lập lại, người Pháp không còn khả năng duy trì được nữa. Từ năm 1958, nhà máy Long Thọ được giao cho ông chủ Viễn Đệ – một kỹ sư tốt nghiệp tại Pháp, quản lý nhưng cũng chỉ duy trì hoạt động sản xuất cầm chừng do chiến tranh, do ảnh hưởng của các cuộc chiến tranh giành quyền lực của các thể chế quân sự, chính trị lúc bấy giờ ở Miền Nam.

Nhà máy sau khi khôi phục (1977)

Khai thác đá những năm đầu thập kỷ 80

Đến năm 1972 nhà máy ngừng hoạt động, trở thành hoang phế.

Sau chiến thắng 30/4/1975 chính quyền cách mạng thành lập Ban khôi phục nhà máy. Với nhiều cố gắng ngày 01/7/1976 nhà máy chính thức đi vào hoạt động với số vốn ban đầu là 37.000,00 đồng, cơ sở vật chất chỉ là những đống đổ nát. Đúng một năm sau đó, ngày 01/7/1977 nhà nước đầu tư xây dựng dây chuyền công nghệ xi măng lò đứng với công suất thiết kế 20.000 tấn/năm. Sau nhiều năm cải tiến công nghệ, mở rộng sản xuất công suất nhà máy không ngừng được nâng lên.

Tháng 9/1994 – 30/11/2005 là doanh nghiệp Nhà nước hạng I, với tên gọi là Công ty SXKDVLXD Long Thọ. Tháng 12/2005 chuyển đổi thành Công ty Cổ phần Long Thọ. Tổng số CBCNV hiện nay là 240 người, 04 đơn vị trực thuộc gồm: Xí nghiệp Xi măng, Xí nghiệp Gạch Terrazzo - Block và 5 bộ phận phòng ban.

Nhà máy Xi măng Long Thọ (năm 1998)

Từ năm 2005, sau khi chuyển đổi từ doanh nghiệp Nhà nước sang Công ty Cổ phần, Công ty đã nhận được sự ủng hộ rất nhiệt tình từ phía người tiêu dùng. Sản phẩm của Công ty ngày càng chiếm được vị trí vững chắc trên thương trường. Các sản phẩm của Công ty gồm: xi măng PCB30, PCB40 mang nhãn hiệu đầu rồng, gạch lát terrazzo, ngói màu, gạch block, các sản phẩm đều được sản xuất trên dây chuyền công nghệ hiện đại.

Những ngày đầu tháng 4/2021, Công ty Cổ phần Long Thọ hoàn thành công tác di dời nhà máy xi măng Long Thọ đến tọa lạc tại Cụm Công nghiệp Thủy Phương, phường Thủy Phương, thị xã Hương Thủy, Thừa Thiên Huế

Ngoài quy mô sản xuất lớn, trang thiết bị tiên tiến, đội ngũ công nhân lành nghề, Công ty Cổ phần Long Thọ còn tạo cho mình một thế mạnh vượt trội so với các doanh nghiệp cùng ngành là có một hệ thống phân phối trực tiếp đến người tiêu dùng thông qua các đại lý và nhiều nhà phân phối trải dài từ các tỉnh Quảng Bình đến Phú Yên, các tỉnh vùng cao Tây Nguyên và các tỉnh thành Miền Tây với đội ngũ nhân viên thị trường nhiều kinh nghiệm.

Nguyễn Đức Phương


Tin tức liên quan khác